Quản lý chặt nhập khẩu phế liệu
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), trong số hơn 2.500 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, có trên 200 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, mà chủ yếu là nhập chất thải nguy hại, rác thải công nghiệp. Cơ quan chức năng đã phạt tiền, truy thu phí bảo vệ môi trường trên 142 tỷ đồng, buộc tái xuất và tiêu hủy 325 tấn rác thải, 3.150 tấn nhựa phế liệu, hơn 10.000 tấn thép phế liệu và gần 6.200 tấn ắc quy chì phế thải.
Gần đây nhất, hải quan Hải Phòng đã phát hiện có tới 139 container hàng khô, chiếm 50{db730480193af8c31c32114cf57d9062e455139371e7f487e644f5427a79c9b1} tổng số container được khám xét, chứa nhựa phế liệu, cao su, ắc quy đã qua sử dụng. Trong đó có 31 container ắc quy chì đã qua sử dụng (gồm 9 container 40 feet và 22 container 20 feet) đều là của công ty TNHH xuất khẩu thương mại Phúc An Thịnh, có trụ sở ở phố Ngô Quyền, Hải Phòng. 108 container nhựa, cao su còn lại vẫn đang chờ kết quả giám định.
“Tuy nhiên, khối lượng phế thải bị buộc tiêu hủy và số vụ vi phạm trong xuất nhập khẩu phế thải được phát hiện chỉ là con số nhỏ so với thực tế. Điều này đã làm gia tăng gánh nặng cho xử lý và tiêu hủy chất thải rắn ở Việt Nam, thậm chí đã có những nhận định “Việt Nam đang dần trở thành bãi phế liệu của nhiều nước”, đại diện C49 cho biết.
Cơ quan chức năng kiểm tra container chứa rác thải công nghiệp
Mỗi năm có hàng triệu tấn phế liệu làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước được nhập khẩu qua gần 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại của Việt Nam. Trong đó, không ít công nghệ “bẩn”, chất thải đã được trà trộn để đưa vào Việt Nam, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường.
Còn theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan), tình trạng các loại rác thải, phế liệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nhập lậu về Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn phổ biến mà bọn buôn lậu thường sử dụng là lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, lợi dụng ưu tiên miễn kiểm tra phân luồng hàng hóa để khai báo không đúng tên hàng, đưa chất thải độc hại, rác thải công nghiệp vào Việt Nam hoặc tái xuất sang nước thứ ba.
“Theo quy định, hàng vi phạm về bảo vệ môi trường, là phế liệu, rác thải bị xử lý buộc tái xuất hoặc tiêu hủy, nhưng thực tế chi phí để tiêu hủy rác thải là rất lớn, một số mặt hàng Việt Nam chưa có công nghệ tiêu hủy đảm bảo tiêu chuẩn. Do đó vụ việc vi phạm phần lớn được xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc này đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở của pháp luật để tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng cấm nhập”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, theo các cơ quan chức năng, chủ yếu là do trong quá trình vận tải, thông tin về tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa còn chung chung, dễ bị lợi dụng để khai báo, áp mã tính thuế sai. “Bản lược khai hàng hóa, hãng tàu nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục cho tàu nhập cảnh hiện nay không thể hiện cụ thể chủng loại hàng hóa. Do đó, cơ quan Hải quan không thể xác định được hàng có đủ điều kiện nhập khẩu hay không để áp dụng biện pháp ngừng làm thủ tục nhập cảnh hoặc không cho dỡ hàng xuống cảng”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) khẳng định.
Để quản lý tốt việc xuất, nhập khẩu phế liệu nhằm bảo vệ môi trường, sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương và các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Đồng thời phải tăng cường giám sát các hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị này. Nếu phát hiện vi phạm kiên quyết thu hồi giấy xác nhận và thông báo cho hải quan không cho phép nhập phế liệu, cho đến khi đơn vị khắc phục, xử lý chất thải đảm bảo đúng quy định.
_ Theo báo tin tức_